BBT: Trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày do Nxb CAND xuất bản năm 2015. Sách vừa ra đời đã được nhiều tờ báo khác nhau giới thiệu. Để giúp sinh viên tham khảo, Khoa Văn học trân trọng giới thiệu bài viết của thầy Trần Hình và trích đoạn (3 chương) của trường ca.
ĐỌC TRƯỜNG CA
CUỘC CHIẾN MƯỜI NGÀN NGÀY CỦA HỮU ĐẠT
Trần Hinh Giảng viên Khoa Văn học ĐHKHXH& Nhân văn. ĐHQG Hà Nội
Cách đây chưa lâu, vào khoảng những ngày cuối năm 2013, Hữu Đạt cho ra mắt tập thơ Lữ hành, gây sự ngạc nhiên không ít ở người đọc quen biết anh. Việc một người bấy lâu nay chuyên viết văn xuôi bất ngờ chuyển sang viết thơ, thật ra cũng không có gì lạ. Nhưng nếu ai quen biết Hữu Đạt, biết anh vốn là một chuyên gia ngôn ngữ giảng dạy ở bậc đại học, đã để lại hàng chục đầu sách nghiên cứu, vào lúc tuổi không còn trẻ, bỗng làm thơ như chạy đua với thời gian, thì sự ngạc nhiên âu cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng còn ngạc nhiên hơn, chỉ ngay sau một thời gian rất ngắn (hơn nửa năm), anh lại đã có ngay bản thảo tập trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày, thì quả là ngạc nhiên thật.
Trường ca, vốn là một thể loại thách thức với nhiều người vì nó đòi hỏi ở người viết vốn sống dồi dào, cảm xúc mãnh liệt và một sự am hiểu nhất định về thể loại. Vậy nên khi biết Hữu Đạt có “âm mưu” nhảy vào địa hạt trường ca, ban đầu quả thật tôi không tin. Phải đến tận khi cầm trên tay bản thảo Cuộc chiến mười ngàn ngày của anh, tôi mới vỡ lẽ, thì ra với Hữu Đạt không gì là không có thể. Càng thán phục hơn khi biết rằng, ở giữa cái thời buổi “cơm áo không đùa với khách thơ” như hiện nay, một nhà giáo, sau những thành công ở địa hạt truyện ngắn, sân khấu, điện ảnh và tiểu thuyết, chỉ trong một thời gian ngắn, lại cho trình làng một lúc tới hai tập thơ “nghiêm ngắn”, tôi nghĩ, nếu không thật sự say mê tâm huyết, thì không thể có được thành công đó.
Trường ca là một thể loại văn học tương đối đặc biệt nằm giữa hai phương thức sáng tác tự sự và trữ tình. Nó vốn không phải là thế mạnh trong sáng tác văn chương ở nước ta. Bằng cứ cho thấy là, thành tựu trong thơ ca nói chung của người Việt có thể dẫn ra được khá nhiều, nhưng thành tựu trong trường ca thì lại là rất hiếm. Đó là một thực tế. Rõ ràng văn học Việt Nam có rất nhiều nhà thơ, số các nhà thơ từng thử sức mình trong trường ca, có thể nhiều hơn con số mười, nhưng tác phẩm của họ nhận được sự hưởng ứng từ phía người đọc lại khó vượt qua con số đó (Tố Hữu, Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Trần Mạnh Hảo, Thi Hoàng, Anh Ngọc, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Anh Thái). Rõ ràng, trường ca là một thách thức nghiêm khắc với các nhà thơ. Bước vào địa hạt này, như đã nói, người làm thơ ngoài vốn kinh nghiệm đời sống, văn học (có sự hiểu biết sâu về mặt thể loại), còn phải khẳng định được trữ lượng cảm xúc với thời cuộc, “sự trường vốn”, giống như một doanh nhân lớn trên con đường doanh thương (dám chấp nhận cả thất bại). Thiếu một trong những yếu tố đó, sẽ thật khó có được sự thành công trong mảng sáng tác này. Chúng tôi nghĩ, là một người từng sáng tác trên nhiều lĩnh vực (sân khấu, điện ảnh, văn xuôi), bắt tay viết Cuộc chiến mười ngàn ngày, Hữu Đạt hẳn đã biết lượng sức.
Cuộc chiến mười ngàn ngày được cấu trúc thành 12 chương, bắt đầu với “Khát vọng mùa thu” (chương 1), qua “Ngày toàn quốc kháng chiến” (chương 2), “Mãi mãi Điện Biên” (chương 3), “Khi chúng tôi lớn lên” (chương 4), “Cuộc đối đầu lịch sử” (chương 5), “Những người Mẹ” (chương 6), “Mái trường đại học” (chương 7), “Những ngôi làng” (chương 8), “Trận đánh cuối cùng” (chương 9), “Đất nước chuyển mình” (chương 10), “Thách thức” (chương 11) và cuối cùng là chương mang tên “Thế hệ chúng tôi” (chương 12). Nhìn vào nhan đề các chương, Cuộc chiến mười ngàn ngày, có thể được xếp vào loại trường ca lịch sử. Bởi lẽ từ đầu đến cuối, những sự kiện được đề cập trong các chương gần như ôm trọn lịch sử của đất nước từ ngày Cách mạng Mùa thu, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, qua hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, đến tận khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất, đang trong dựng xây và hội nhập. Với thể loại trường ca, tôi cho rằng, cái khó khăn lớn nhất với các tác giả, đó là cấu trúc. Viết một bài thơ ngắn chỉ đòi hỏi người cầm bút có được xúc cảm dồi dào, một tác phẩm văn xuôi thì lại cần vốn sống, với một trường ca, người ta cần cả hai khả năng đó. Nếu không làm chủ được cảm xúc, tác phẩm của anh chỉ chơi vơi, nhưng nếu không làm chủ được cấu trúc, một bản trường ca sẽ “loạn nhịp”, người đọc sẽ khó lòng hiểu được ý đồ tác giả. Một bản trường ca hay, ngoài sức cuốn hút của các câu thơ, còn phải “neo” được trong lòng độc giả vẻ đẹp, sự chặt chẽ về mặt cấu trúc. Do bản thân trường ca thuộc phương thức tự sự, nghĩa là có yếu tố kể, có một câu chuyện, nên nếu cấu trúc lỏng lẻo, hoặc thậm chí không có cấu trúc, tác giả sẽ không biết dẫn dắt câu chuyện như thế nào. Để kiểm chứng vấn đề này, chúng ta hãy thử khảo sát các bản trường ca nổi tiếng trên thế giới, Iliat, Odyxe của người Hy Lạp, Ramayana và Mahabharata của Ấn Độ, Trường ca Roland của Pháp…Tất cả các bản trường ca này đều đưa đến cho người đọc những câu chuyện rất hấp dẫn, thú vị, chính nhờ chúng có một cấu trúc chặt chẽ.
Ở Việt Nam ta, khái niệm trường ca chỉ bắt đầu xuất hiện trong khoảng những năm 50 của thế kỉ XX. Theo hai tác giả Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức, thì “trường ca là hình thức thơ tự sự, ít nhiều dựa trên phương thức tự sự …. Trường ca còn là hình thức truyện thơ, nhưng không phải truyện thơ nào cũng là trường ca hoặc có màu sắc trường ca.. Nội dung của trường ca thường gắn liền với các phạm trù thẩm mĩ về cái đẹp, cái hùng, cái cao cả. Trường ca thường có cốt truyện không hoàn chỉnh”. Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến cũng khẳng định: “Trường ca là một thể loại lớn với hai nghĩa: có dung lượng lớn và mang nội dung lớn”; và “Tương quan giữa nguyên tắc trữ tình và nguyên tắc tự sự là một vấn đề trung tâm của thi pháp trường ca”. Một chút liên hệ như vậy để chúng ta thấy được, tại sao các nhà nghiên cứu lại khẳng định, sáng tác trường ca là sự thách thức với tất cả các tác giả.
Trở lại với cấu trúc Cuộc chiến mười ngàn ngày của Hữu Đạt, có thể khẳng định đây là bản trường ca được cấu trúc theo mạch sự kiện lịch sử đất nước. Như chúng tôi đã nói ở trên, với 12 chương của bản trường ca, tác giả Hữu Đạt có ý “ôm trọn” lịch sử đất nước kể từ ngày đầu (mùa thu Cách mạng) đến thời điểm hiện tại (đất nước giải phóng và đang trong quá trình dựng xây, hội nhập). Từ một góc độ khác, trong 12 chương của bản trường ca, ta lại bắt gặp một số chương trong Cuộc chiến mười ngàn ngày tách ra khỏi mạch sự kiện lịch sử, đào sâu vào mạch cảm xúc cá nhân. Có khi đó là cảm xúc về “những người Mẹ” (chương 6); khi thì cảm xúc về “những ngôi làng”; và có khi đó lại là những chiêm nghiệm cá nhân từ góc nhìn thế hệ: “Khi chúng tôi lớn lên/ Vùng chiến tuyến vẫn còn phi chiến sự”, “Chúng tôi lớn lên/ Mây thổn thức giữa đôi bờ ước vọng/ Những bãi bồi nổi những giấc mơ xanh”, “Chúng tôi lớn lên/ Hiểu đất nước qua những bài lịch sử/ Mẹ Âu Cơ sinh bọc trứng trăm con”… Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca Mặt đường khát vọng khi viết về Đất Nước cũng bám vào sự vận động ý thức của thế hệ trẻ thành thị miền Nam hướng về nhân dân, về dân tộc trong những ngày chống Mĩ. Chương 5 bản trường ca Mặt đường khát vọng của ông bắt đầu bằng câu: “Khi chúng tôi lớn lên Đất Nước đã có rồi”…), và cả bài thơ cứ đi theo mạch cảm xúc đó. Tôi cho rằng, Hữu Đạt cũng giống Nguyễn Khoa Điềm ở đặc điểm này: khi viết về đất nước, cả hai đều tìm một điểm tựa từ góc nhìn của một thế hệ cụ thể nào đó (chúng tôi), với Nguyễn Khoa Điềm “chúng tôi” còn rất trẻ, với Hữu Đạt, “chúng tôi” lớn lên cùng sự lớn lên của đất nước, nhân dân. Xét trên phương diện ấy, ý tưởng của Hữu Đạt quả là rất lớn.
Bám sát mạch sự kiện lịch sử của dân tộc, Cuộc chiến mười ngàn ngày mở đầu bằng cảm xúc những ngày mùa thu trước Cách mạng (139 câu), qua cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp (333 câu), lưu lại với “mãi mãi Điện Biên” (227 câu), tiếp tục bằng cuộc đối đầu lịch sử với đế quốc Mĩ (143 câu) đi đến Trận đánh cuối cùng (203 câu) và kết thúc bằng Đất nước chuyển mình. Nếu coi Cuộc chiến mười ngàn ngày là một bản trường ca lịch sử, thì tôi nghĩ với chừng ấy câu thơ bám sát đến tận cùng những sự kiện lịch sử lớn của dân tộc, Hữu Đạt đã hoàn thành trách nhiệm của mình. Hàng trăm câu thơ được viết bằng cảm xúc của một chàng trai sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng thuộc đồng bằng Bắc Bộ vào những ngày đất nước chiến tranh,đã toát lên được giọng điệu “hào sảng” của một bản trường ca thứ thiệt. Không giống với một vài thể loại văn chương, trường ca ít nhiều có hơi hướng sử thi (épopée), nên người đọc dễ nhận thấy giọng điệu “sang trọng” toát ra từ câu chữ. Thật khó có thể thống kê hết những ví dụ về các câu thơ mang giọng điệu hào sảng như vậy trong cả tập trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày, nhưng chỉ cần lướt qua chương Mở đầu “Khát vọng mùa thu”, ta đã thấy được dáng dấp “hùng tráng” của nó. Khúc mở đầu (gần bằng dung lượng bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu), giống như một cuốn sử ngắn gọn về những ngày đen tối nô lệ của dân tộc Việt Nam. Chỉ với 139 câu/dòng thơ, Hữu Đạt đã cung cấp cho người đọc nhiều sự kiện lịch sử: những cuộc giao tranh không cân sức với kẻ thù, những vị anh hùng mà ngày nay mỗi người dân Việt Nam đều không thể nào quên, những thời khắc lịch sử quan trọng khi dân tộc mở ra một trang sử mới. Hữu Đạt chọn hình thức thơ theo thể tự do. Đó cũng là sự lựa chọn tất yếu khi mạch cảm xúc bài thơ rõ ràng đi theo hướng này. Lịch sử đất nước những ngày đầu tiên xen kẽ, tương phản trên bảng pha màu trắng/đen, sáng/ tối, bi/ hùng, rên xiết đau thương, nhưng cũng thiết tha tình cảm. Việc lựa chọn hình thức câu thơ là tùy thuộc vào nội dung cảm xúc đó. Chẳng hạn, 4 câu mở đầu được tác giả viết theo thể thơ 9 chữ: “Gần một trăm năm trong xích xiềng nô lệ/ Dân tộc ta nghèo trong đói rách thương đau/ Đất nước lầm than qua bao nhiêu dâu bể/ Trai gái yêu nhau nên điệu lí qua cầu”. Câu thơ dài hơn so với bình thường cũng là cách để tác giả tạo được xúc cảm da diết hơn khi muốn nói về “những nỗi đau” và “những nỗi thương” một thời của dân tộc. Trong khi đó ở đoạn thơ nói về ý chí quật cường của những người cộng sản trong cuộc đấu tranh chống quân thù, nhà thơ lại chuyển sang một hình thức thơ hoàn toàn khác, câu thơ tự do hơn (trong câu chữ), rắn rỏi hơn và cũng cương quyết hơn:
Những trái tim son sắt với màu cờ
Người cộng sản trung kiên
Không bao giờ gục ngã
Trước bạc tiền
Không thể bị bán mua
Bao đồng chí hi sinh
trong lao tù vẫn hát
Những tấm gương
muôn thuở vẫn chói ngời
Dù thân dẫu tan vào trong đất
Mà hồn còn thiêng mãi núi sông ơi!
Tác giả có ghi chú ở ngay trên đầu đoạn thơ đây là hình một chiếc đồng hồ cát. Quả thật tôi chưa có đủ thời gian và trình độ để thẩm định những câu thơ viết theo hình vẽ, một thể nghiệm độc đáo của Hữu Đạt trong bản trường ca này (kể cả trong tập thơ Lữ hành xuất bản trước đó) tạo được hiệu quả bao nhiêu cho những nội dung cần phản ánh của anh, nhưng cứ nhìn trên hình thức văn bản, tôi nghĩ đó có lẽ cũng là một trong những đóng góp của nhà thơ vốn xuất thân từ một chuyên gia ngôn ngữ. Nhân đây cũng muốn xin được nhắc lại, ngay từ tập thơ Lữ hành Hữu Đạt đã có vẻ rất “chăm chỉ’ sáng tạo kiểu thơ thị giác. Trong tác phẩm thơ này, anh đã có khá nhiều bài viết theo kiểu hình họa. Và trong bản trường ca “ Cuộc chiến mười ngàn ngày”, sự sáng tạo này trong thơ của anh lại càng “đậm đặc” hơn. Tôi đã thống kê được trong tập trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày có 39 đoạn thơ được viết theo kiểu thị giác với nhiều hình họa khác nhau khá ấn tượng. Đó là: hình cái ly có chân, hình mái nhà rông hình cái hũ đựng gạo,hình bầu rượu,hình cái bình cổ, hình lọ hoa, hình chiếc ly lớn, hình chìa khóa, hình con quay, hình đồng hồ cát, hình chiếc lư đồng, hình cây Thánh giá,hình lọ lộc bình, hình ngọn nến, hình giọt lệ, hình ngọn đuốc, hình mũi tên, hình trống đồng, hình cây rơm hình ngọn nến, hình tháp xuôi.hình cây rơm, hình bản đồ Việt Nam … .Một sự kì công tạo nên các hình họa dày đặc như vậy của tác giả không thể không khiến người đọc phải chú ý. Khi bàn về thơ hình họa (hay thơ thị giác) trong lịch sử thơ ca nói chung, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng, trong hoàn cảnh cụ thể, nhất thời, viết thơ theo kiểu hình vẽ cũng có thể mang đến cho người đọc những ấn tượng mới mẻ, thú vị. Thay vì người đọc bấy lâu nay chỉ chăm chú “đọc thơ”, thì nay khi tiếp xúc với thơ từ góc độ hình họa, họ có cơ hội được “xem một bài thơ”. Với cách “đọc này”, những chữ viết tưởng như “vô hình” giờ đã biến thành một bức tranh hay một đoạn phim (như trong điện ảnh). Tôi nghĩ rằng, sự pha trộn loại hình nghệ thuật như thế cũng là một hướng đổi mới sáng tác nghệ thuật hiện nay. Vào những năm đầu thế kỉ XX, trong văn học Pháp, cùng thời kì xuất hiện trường phái hội họa lập thể của Picasso, trong văn học cũng xuất hiện một trường phái thơ hình vẽ (Calligramme), mà tiêu biểu nhất là nhà thơ Apollinaire, tác giả của bài thơ nổi tiếng Cầu Mirabeau. Hữu Đạt trong trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày còn tốn nhiều công sức hơn cho “cuộc chơi” này. Và tất nhiên cũng giống như Apollinaire, cũng có những bài thơ hình họa của anh chỉ thuần túy là một trò chơi hình thức. Nhưng có những bài/đoạn thơ hình họa của anh lại ẩn chứa những thông điệp nội dung theo cách riêng và những thông tin thẩm mỹ thú vị. Vì thế, trong số các thử nghiệm này, cũng có những hình vẽ - thơ của Hữu Đạt đã để lại được trong lòng người đọc ấn tượng đặc biệt. Chẳng hạn, với tôi, khi “xem” và “đọc” kĩ đoạn thơ hình cây rơm (tr.32), tôi cũng như cảm giác được mình đang sống lại với một ngôi làng nông thôn Việt Nam rất điển hình trước đây trong cái nồng nàn của hương lúa:
Trâu ta
ăn cỏ đồng ta
Dù trong dù đục
Ta tắm ao nhà vẫn hơn
Nhớ làng câu hát véo von
Ru ta từ lúc hãy còn trẻ thơ
Nhớ làng qua những giấc mơ
Đêm trăng có tiếng ầu ơ rất buồn…
Đọc (và xem) đoạn thơ hình bản đồ nước Việt Nam (tr.56), chưa cần phải nghiên cứu kĩ nội dung, tôi cảm thấy trong lòng mình bỗng dâng lên một niềm cảm xúc mãnh liệt . Cái hình chữ S mà bấy lâu nay chúng ta vẫn thường nhìn thấy trên tấm bản đồ đất nước bình thường vậy thôi, giờ đây như bỗng có một tâm hồn. Không phải ngẫu nhiên, trong đời sống nghệ thuật gần đây, ta thấy xuất hiện không ít loại hình mới lạ: nghệ thuật sắp đặt, nhạc thị giác, thơ trình diễn…Có lẽ đó cũng là một cách để làm cho nghệ thuật bớt nhàm chán đi chăng? Tôi nghĩ thơ thị giác hay thơ hình họa –hình vẽ cũng đi theo hướng đó…
Ở một phương diện khác, nhìn từ góc độ cấu trúc - tư tưởng, Cuộc chiến mười ngàn ngày, ngoài tính chất một bản trường ca lịch sử, còn là một tác phẩm dồi dào cảm xúc, trăn trở suy tư trước thời cuộc của tác giả. Đây có lẽ cũng là một yếu tố không kém phần quan trọng với một bản trường ca. Một bài thơ, đôi khi chỉ cần hay (về mặt âm nhạc, âm điệu) thôi là đủ, nhưng một bản trường ca nếu không có điểm tựa tư tưởng, không mang đến cho người đọc một nhận thức rõ ràng về mặt nội dung, thật khó có thể bám trụ trong lòng người đọc. Cuộc chiến mười ngàn ngày song song với những sự kiện lịch sử suốt chiều dài đất nước, còn được cấu trúc xen kẽ những “trữ tình ngoại đề” đầy trăn trở của nhà thơ. Chẳng hạn, sau ba chương đầu về “Khát vọng mùa thu”, “Cuộc kháng chiến chín năm”, và “Mãi mãi Điện Biên”, Hữu Đạt dừng lại để trò chuyện với bạn đọc về “Thế hệ chúng tôi”, thế hệ của tác giả. Sau các chương “Cuộc đối đầu lịch sử”, anh tâm sự về “Những người Mẹ” của đất nước Việt Nam trong những năm gian khổ hy sinh. Rồi trở lại với “Mái trường đại học”, về mảnh đất Mễ Trì mà tôi và anh, thế hệ chúng tôi từng sống và học tập trong những năm chiến tranh, để chiêm nghiệm sâu hơn về những con người đã từng trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ với bao hy sinh, mất mát. Sau đó là cuộc lữ hành trở về với “Những ngôi làng”. Sau “Trận đánh cuối cùng”, “Đất nước chuyển mình”, Hữu Đạt có một chương ngập tràn suy tư về đất nước sau chiến tranh, đất nước trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Cũng giống Nguyễn Duy trong Đánh thức tiềm lực, Hữu Đạt cũng có những câu thơ đầy trăn trở trong trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày:
“Dự án mở thênh thang khắp chốn
Nhà chưa xây tiền túi đã gom đầy
Đất của công lấy từ tay dân chúng
Đền bù chả là bao mà giá đắt trao tay”
Hoặc:
Thời kinh tế thị trường
Lòng người chao đảo quá
Chân lý hôm qua
nay bỗng rẻ như bèo
Bao cái ác lượn lờ
Và đồng tiền đang phá
Những đạo đức ngàn đời
Tan như bọt sóng reo
Cuộc chiến mười ngàn ngày được viết từ 2010 đến cuối năm 2013, đầu năm 2014, ở thời điểm vấn đề Biển Đông chưa nóng bỏng như hiện nay, nhưng trong bản trường ca này, ta đã bắt gặp những câu thơ chứng tỏ tác giả là người khá nhạy cảm, thức thời, một tâm hồn yêu nước sâu sắc, đằm thắm:
Chúng tôi lớn lên
Hiểu đất nước qua những bài lịch sử
Mẹ Âu Cơ sinh bọc trứng trăm con
Một nửa vác cung tên lên núi
Một nửa đi khai phá những bưng biền
Ý thức với Biển Đông từ thuở ấy
Đã thấm vào mỗi giọt nước vùng biên
Có thể khẳng định, Cuộc chiến mười ngàn ngày là một thành công thể hiện sự độc đáo của Hữu Đạt. Đây là tập trường ca có nội dung phong phú, chân thực giàu cảm cảm xúc với lối viết khoáng hoạt, có chiều sâu về hàm lượng ngữ nghĩa với- nhiều cách tân độc đáo. Đó là một tập trường ca làm giàu có và phong phú thêm mảng thể loại trường ca hiện đại, rất có ích trong việc truyền bá tinh thần yêu nước và ý chí quyết tâm của nhân dân ta trong chiến tranh giữ nước và khắc phục vượt qua thử thách để xây dựng cuộc sống mới hôm nay.
Những ngày giữa hè 2014
T.H
Lời nói đầu
Sau khi đọc tập thơ Lữ hành một số bạn đọc, chẳng hạn, PGS.TS Đinh Thị Minh Hằng (Viện Văn học) đã gặp tôi đề nghị “Anh nên có một tuyên ngôn cho kiểu thơ mới, thơ hình họa”. Tôi cứ suy nghĩ mãi. Nói “tuyên ngôn” thì to tát quá. Nhưng không có lời nào “phi lộ” trước bạn đọc thì sẽ là không phải. Vì vậy, trước khi bạn đọc cầm trên tay cuốn trường ca này, tôi xin có vài lời bộc bạch như sau:
Trong khoảng một hoặc hơn thập niên gần đây, bạn đọc đã bắt đầu xa lánh thơ. Có người chỉ nghe nói đến thơ đã có những phản ứng dè bỉu, thậm chí giễu cợt, châm biếm. Bởi trên thực tế, thơ giai đoạn sau chiến tranh ít có cái mới, đó là chưa nói, phần nhiều thơ có sự lặp lại, nhàm chán hoặc rất non yếu về nội dung. Thơ không còn là tiếng lòng để người đọc tri âm. Nó như là một cái gì quá phù phiếm tồn tại trên cõi đời này.
Để khắc phục tình trạng đó, một số nhà thơ đã thay đổi phương pháp sáng tác, trăn trở tìm con đường đổi mới thơ ca. Một số đã chuyển hướng sáng tác theo hướng Hậu hiện đại. Chủ nghĩa hay khuynh hướng nào cũng đều không quan trọng. Quan trọng là bạn đọc có đồng cảm và chia sẽ với nhà thơ hay không?
Cũng may, trong tập Lữ hành của tôi (Nxb Văn học 2014) có nhiều bài được viết theo kiểu hình họa (hình đồng hồ cát, hình cái ly, hình cái nơ, hình tháp chồng, hình mũi tên…) lại được rất nhiều bạn đọc yêu thích. Có nhà phê bình còn cho rằng “Lữ hành là cuộc cách tân thơ tân hình thức và khai sinh ra dòng thơ hình họa”(*).
Thơ hình họa là loại thơ khác hẳn với thứ thơ mô phỏng/hay thơ hình thức một thời đã xuất hiện ở Việt Nam (với các tác giả như Nguyễn Vĩ, Lê Ta, Trần Huấn Chương). Loại thơ này thường cấu trúc bài thơ phỏng theo một hiện tượng thiên nhiên nào đó. Thơ hình họa (còn gọi là thơ hình vẽ) muốn đạt tới sự truyền cảm bằng cả hai con đường đọc và nhìn. Ở đây những hình họa được “tạo hình” từ những câu thơ không thuần túy chỉ là trò chơi ngôn ngữ mà còn mang một thông báo nghệ thuật ngầm ẩn đằng sau lớp vỏ ngôn từ. Ví dụ, trong trường ca này, tôi sử dụng khá nhiều hình họa khác nhau như: hình mái nhà rông, hình trống đồng, hình cái lư đồng, hình cái bình cổ, hình cái hũ, hình cây rơm… với những biểu tượng và ẩn ý nhằm bộc lộ rằng, cuộc chiến này là cuộc đọ sức của hai nền văn hóa. Trong đó, Việt Nam là một nước có nền văn hóa lâu đời đã chiến thắng nền văn hóa thực dụng với những phương tiện và vũ khí hiện đại kiểu Mỹ. Một số hình vẽ còn bổ sung thêm thông tin hàm ẩn bên cạnh hình tượng thơ. Chẳng hạn, có chỗ tôi dùng hình vẽ là cái hũ nhằm gợi nhớ hình ảnh “hũ gạo nuôi quân” thời kháng Pháp. Có chỗ tôi dùng hình vỏ cát tút đạn để biểu tượng hình ảnh ác liệt của chiến tranh. Có chỗ dùng hình con quay để biểu tượng thái độ tráo trở của Ngô Đình Diệm. Có chỗ dùng hình giọt lệ để nói về sự mất mát, đau thương. Có chỗ dùng hình cây Thánh giá để biểu tượng cho niềm tin và sự thiêng liêng giống như các con chiên hướng về Thiên Chúa. Cuối chương “Trận đánh cuối cùng”, tôi dùng hình bản đồ Việt Nam để biểu tượng cho sự chiến thắng toàn vẹn, sự thống nhất vững bền của giang sơn đất Việt…
Viết một bản trường ca về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc đã khó, mà thể hiện nó qua hình thức của cấu trúc hình họa lại càng khó hơn. Điều đó đòi hỏi người viết phải có tinh thần làm việc tỉ mỉ, nghiêm túc và phải có sự am hiểu khá tường tận về đặc điểm loại hình của ngôn ngữ dân tộc để phát huy hết tiềm năng của tiếng – một đơn vị độc đáo của tiếng Việt. Đây là đơn vị có khả năng biến hóa linh hoạt trong kết hợp tuyến tính và có khả năng đánh thức trường liên tưởng của người đọc về các nghĩa tiềm tàng của từ. Nếu biết phát huy thế mạnh của nó, chúng ta có thể tạo ra những câu thơ có nhiều tầng bậc ngữ nghĩa, giàu âm hưởng về mặt ngữ âm. Ngược lại, nếu ta tùy tiện áp đặt ý chí chủ quan lên nó thì có thể ta sẽ tạo ra những câu thơ vô nghĩa, đôi khi ngớ ngẩn. Đó là một thách thức không nhỏ đối với chúng tôi, cũng như với những người làm thơ nói chung.
Thơ hình họa thực chất đã phá bỏ một nguyên tắc phổ biến là tính hình tuyến của ngôn ngữ trong quá trình tạo lập văn bản. Đọc thơ hình họa, cùng lúc ta có thể nhận ra nhiều biến thể về cách ngắt nhịp, hòa âm của ngôn ngữ thơ, tùy theo cảm hứng của độc giả. Vừa đọc, vừa xem đó chính là cách tiếp cận thơ hình họa. Hy vọng, trường phái thơ này sẽ tiếp tục nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của độc giả.
----------------------------------
(*)Nguyễn Trị Trà My “Lữ hành là cuộc cách tân thơ tân hình thức và khai sinh dòng thơ hình họa”, Tạp chí Văn nghệ Thủ đô, số 11 năm 2014.
Hữu Đạt
CUỘC CHIẾN MƯỜI NGÀN NGÀY
(Trường ca, Nxb CAND, 2015)
Trích đoạn
Chương ba
Mãi mãi Điện Biên
Từ thuở ấy anh đi hình cái bình cổ
Đã bao mùa lúa trổ
Áo chiến binh sờn bạc mấy lần
Mép ba lô bao lần thay chỉ cũ
Bao con đường
không nhớ hết
chặng dừng chân
Bao làng xóm anh qua
vẫn một màu lam lũ
Nhưng tình yêu trong sáng đến vô ngần
Không gì đẹp hơn anh được nữa
Hình ảnh người chiến sĩ Vệ quốc quân
Đôi dép cao su đi qua hai thế kỷ
Dân tộc từ đây ngẩng mặt trước toàn cầu
Lịch sử lật thêm trang hùng vĩ
Nguời lính chân trần, vai bạc áo nâu
Từ thuở ấy anh đi hình lọ hoa
Bên cánh rừng
Trần Hưng đạo
vẫn âm vang tiếng hát
Ba mươi tư người lính đầu tiên
Lớn lên từ núi rừng Việt Bắc
Sức vươn vai như Phù Đổng thần kỳ
Chân đạp núi rừng Gươm mài đá sắc
Tổ quốc cùng theo bước anh đi
Cùng với nước Cộng hòa non trẻ
Ngày hôm nay anh trở lại với rừng
Đêm Việt Bắc bập bùng ánh lửa
Một đoạn suối bên đường
bao khuôn mặt soi chung
Thương đất nước
bao đau thương
tang tóc
Khắp bốn phương giặc đói vẫn hoành hành
Kháng chiến gian lao, đành thắt lưng buộc bụng
Muốn thắng giặc thù, ta không thể đánh nhanh
Lời Bác dặn phải trường kỳ kháng chiến
Hũ gạo nuôi quân chiu chắt từng ngày
Mẹ nhịn đói dành cho người ra trận
Lời ru buồn theo đôi cánh hạc bay
Ru rằng: Ham đánh giặc Tây
Cha đi từ thuở nhừng ngày tóc xanh
Vườn chiều nở trắng hoa chanh
Nhà ai đêm lạnh mong manh gió lùa
Não lòng tiếng khóc con thơ
Võng đưa kẽo kẹt, ầu ơ tiếng bà
Mẹ đi tiếp vận đường xa
Mong sao có dịp gặp cha một ngày…
Đường kháng chiến dài theo năm tháng
Anh không ngừng nhịp bước hành quân
Hết chiến thắng Sông Lô, Biên giới
Lại chuyển sangchiến dịch Hòa Bình
Anh lại thắng như bao lần đã thắng
Ba mươi tư chiến sĩ năm xưa
nay thành những trung đoàn
Từ rút lui chuyển sang cầm cự
Đợi một ngày sẽ Tổng phản công
Lịch sử chọn nơi đây làm điểm nút
Ai thắng Điện Biên sẽ làm chủ cuộc cờ
Cuộc chiến ba ngàn ngày chưa nói được
Ai là người chiến bại giữa cuộc đua?
Lời thách đố vang lên như tiếng sấm
Tướng Pháp huyênh hoang tuyên bố trước toàn cầu
Vùng Tây Bắc nay đã thành cứ điểm
“Việt Minh có can trường hãy đến thử thách nhau”
Bộ Chính trị họp bàn trong lán trúc
Bàn gỗ thênh thang chỉ có những tách trà
Không bơ sữa, rượu bia và thịt hộp
Những mái đầu chụm lại dưới người Cha
Trên vách nứa treo lá cờ Tổ quốc
Thế trận bày ra trong từng góc bản đồ
Bác đứng dậy với cây chì đỏ
Bước bồi hồi như thể trong mơ
Đêm trăng sáng rạng ngời như cổ tích
Người đứng trầm tư bên góc lán lặng nhìn
Thương chiến sĩ đang giữa mùa chiến dịch
Vó ngựa lưng đèo luôn rộn rã báo tin
Tứ thơ mới hiện về Bác chưa kịp viết
Công điện đường xa tới tấp đưa về
Bộ Chính trị thêm một lần nhóm họp
Sớm mai rày Bác tiễn Anh đi (*)
Thầy giáo sử tuổi thanh xuân đứng lớp(**)
Nay là Anh - Tư lệnh những binh đoàn
Bác tin tưởng giao cho Anh trọng trách
Quyết lần này phải thắng trận Điện Biên
Phút bịn rịn Anh ôm hôn má Bác
Nẻo đường xa yên ngựa đã sắn sàng
Khắp trận tuyến nghe tiếng gầm đại bác
Chợt bên đường nở mấy nhánh phong lan
Đường hỏa tuyến dân công đi tải đạn
Vui như đi mở hội lúc xuân về
Xe đạp cũ cũng hóa thành người lĩnh
Cùng đồng hành theo mỗi bước quân đi
Pháo đã kéo, chốt trên đồi chiến dịch
Chì chờ nghe lệnh phát hỏa diệt thù
Nhưng mười một đêm Anh Văn không ngủ
Sương trắng giăng đầy quanh lán chiến khu
Một quyết định khó khăn đầy nước mắt
Kéo pháo vào rồi, nay lại kéo pháo ra
Chuyển kế hoạch đánh nhanh thành tiến chắc
Mấy ai tin vì chuyện quá bất ngờ?
Nhưng không thể chù chừ được nữa
Tổng hành dinh đã phát lệnh xuống rồi
Cuộc vận động đã xuống từng đại đội
Thời gian gấp rồi phải hành động ngay thôi
Lại kéo phéo ra để họp bàn chấn chỉnh hình chiếc đôn
Suy tính từng ly những mất những còn
Vì thương tiếc máu xương
của từng người linh
Đại tướng đành lùi
cho đánh chậm hơn
Từ thuở ấy anh đi
Cuộc kháng chiến
mấy ngàn ngày không nghỉ
Sáng sớm mai là trận đánh cuối cùng
Thư viết vội trên tay người chiến sĩ
Nhắn gửi về người sống ở hậu phương
Bạn ở Quảng Bình, tôi thị xã Sơn Tây…
Đêm chiến dịch vây quanh lửa trại
Những ngày xuân hoa trắng rụng đầy
Tốp lính trẻ vỗ tay líu ríu
Súng dựa hờ trên mỗi bờ vai
Câu Quan họ cô dân công vừa hát
Át cả tiếng gầm của những tốp máy bay
-------------------------------
(*),(**) Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp
Buổi sáng ấy như rất nhiều buổi sáng
Nai vẫn kêu bên suối gọi bạn tình
Quân với dân vừa qua đêm hò hẹn
Lệnh nổ súng đã bắt đầu từ Tổng hành dinh
Pháo trút lửa ngay trên đồi A1 hình chiếc ly lớn
Nóc Him Lam khói đã bốc mịt mù
Những người lính ào lên như thác lũ
Bọn địch co về quyết cố thủ từng khu
Đường quyết chiến mở thêm nhiều lối mới
Những rãnh hào đi chằng chịt áp đồn thù
Mồ hôi sũng lưng, thấm trên từng xẻng đất
Những vòng vây cứ ép chặt từng khu
Địch rối loạn điên cuồng chống trả
Pháo kích liên miên
tăng xuất hiện bất ngờ
Nhưng không thể
làm gì hơn được nữa
Vòng vây ta cứ
ép chặt từng giờ
Mưa trút xuống
Những lòng hào nhão nhoét
Bùn với bùn trộn lẫn máu chiến binh
Đêm khắc khoải, nắm cơm rơi chấm đất
Người lính xung phong ăn một cách ngon lành
Trận quyết chiến hình chiêc chìa khóa
máu xương không kể hết
Mỗi góc hào đều đầy ắp thây phơi
Không kịp biết xác bên ta hay địch
Những cuộc chà đi sát lại vẫn liên hồi
Anh lính trẻ vừa xông lên lần cuối
Tay đang cầm khẩu súng bắn bâng quơ
Mắt anh đã không còn nhìn được nữa
Nhưng chân vẫn hiên ngang
xông tới trước mặt thù
Bọn lính Pháp
ùa nhau
tháo chạy
Pháo ta
gầm lên
từ những
đỉnh đổi
Sân bay
Mường Thanh
mịt mù lửa khói
Những đường băng
bị cắt đứt làm đôi
Tập đoàn Điện Biên
không còn đường tiếp viện
Thoi thóp như cá rãy trên bờ
Không thể để thời gian
kéo dài thêm được nữa
Ta thít chặt vòng vây
Qua từng phút từng giờ
Thế bị kẹt không sở xoay được nữa
Đờ cát đành phát đi tín hiệu đầu hàng
Hơn mưới sáu ngàn quân tinh binh cường quốc
Ủ rũ buồn đi trong một màu tang
Cả nước Pháp cúi đầu trong lặng lẽ
Nhìn Điện Biên trong nỗi nhục hạ cờ
Không tin được một đội quân quá trẻ
Lại đánh bại hoàn toàn anh đế quốc già nua
Từ thuở ấy anh đi
Áo vai sờn, súng kíp
Một đội quân chỉ có mấy mươi người
Nay đã thành những binh đoàn chủ lực
Thắng Điện Biên rồi hùng dũng tiến về xuôi
Hà Nội hôm nay
ngợp trời trong nắng mới
Năm cửa ô náo nức đón quân về
Một lời hẹn 9 năm
không mấy ai tin nổi
Qua thương đau vẫn giừ trọn lời thề
Anh đã viết hai chữ Việt Nam
lên bản đồ thế giới
Lịch sử in dấu chân anh
những người lính Cụ Hồ
Và tên Anh đã thành trang sử mới
Cho nô lệ khắp thế gian này
Đứng lên giành độc lập tự do
Kể từ ngày ấy mùa thu
Anh đi kháng chiến
chiến khu trở về
Lúa vàng lại chín
đồng quê
Lại vui
tiếng cối
sớm khuya
mẹ già
Dặt dìu ru
tiếng ầu ơ
Ngang bờ tre
tiếng gió đưa
giọng hò
Trên sông
ngang một
con đò
Chèo khua
nước vỡ
đôi bờ
trăng trong…
Chương bảy
Mái trường Đại học
Thời ta đến Mễ Trì xanh màu lúa
Nhưng ao hồ giăng khắp lối ta đi
Những chiến tích đạn bom
còn hằn lên vết đất
Mưa nhiều đêm trắng cả lối ta về
Lớp học chung hai ngành Văn Ngữ
Một quầy ăn bát đũa xếp từng khu
Văn với Sử như là bè bạn
Lối ta đi bạn cũng đi nhờ
Tuổi trong trắng như trang giấy mới
Mỗi ngày qua hai buổi đến trường
Nghe giáo sư thuyết trình trên bục giảng
Hồn đứa nào cũng ướt đẫm văn chương
Căn phỏng ở kê toàn giường sắt cũ
Bạn nằm giường trên ta ở dưới này
Lương một tháng mười tám ngàn đồng bạc
Nhưng tâm hồn ai cũng ngát hương bay
Nào những A Q , nào ông Lỗ Tấn
Nào Đôtxxtoievxki, Sê khov với Mai a
Đây cụ Lev - “Chiến tranh và hòa bình” không cũ
Máu vẫn tuôn trên nửa nước non nhà
Lũ sinh viên miệt mài nghe thầy giảng
Mắt ngẩn ngơ nhìn thành phố trong hoa
Mỗi khi Tết hoa đào lại nở
Náo nức làm sao được nghỉ Tết về nhà
Một bữa liên hoan cháy dạ dày lép kẹp
Chiếc bánh chưng xanh tiêu chuẩn mỗi người
Không kịp để dành lúc lên tàu chống đói
Ta mở ra ăn tiễn bạn về xuôi
Lớp tuy nhỏ nhưng bạn bầu tứ chiếng
Kẻ miền Nam, miền Bắc miền Trung
Kẻ ở núi cao, người nơi miền biển
Những về đây chỉ một chữ “cùng”
Cùng chí hướng, cùng cả đời lam lũ
Cùng cái nghèo theo suốt cả bốn năm
Cùng đắp chung chăn mỗi đêm giá lạnh
Cùng câu chuyện riêng tư trước mỗi tối đi nằm
Cùng thao thức trước mồi đời kiếp bạc
Cùng ưu buồn trước các cuộc chia ly
Cùng vui sướng reo lên khi thấy bạn
Nỗi nhớ xa nhau sau một tháng nghỉ hè
Ta hát mãi trong những chiều ký túc
Lá vàng rơi khắp lối ta đi
Tiếng gõ bát chờ cơm chen tiếng hát
Một thời yêu nhau…trong xanh lúa đồng quê
Mễ Trì ơi! Nay còn đâu thuở ấy
Hàng cây xanh trong vắt nước hồ
Những đêm trăng buồn nghe cá quẫy
Cũng nao lòng cả những răng ô rô
Không còn nữa cánh đồng hoang hoải nắng
Mênh mông xa những ụ pháo hoang tàn
Thời chinh chiến phố găm đầy vết đạn
Bom thù rơi, nhà bếp sập, gãy tan
Một khóa học phải mấy lần sơ tán
Mấy cuộc chia tay tiễn bạn lên đường
Bao ấp ủ còn vương trên giáo án
Mắt nhìn nhau chan chứa tình thương
Không ai nghĩ tuổi đang còn cắp sách
Lại ôm ngang cây súng giữa trận tiền
Dù mấy vạn những trang sách viết
Hết làm sao những người lính không tên
Thương lắm lắm, những bạn bè thuở ấy hình nút chai
Trong những lớp ra đi có những bạn không về
Đời trai trẻ ngã vào lòng trận mạc
Chết sáng trong như ánh sao khuê
Cho đất nước bình yên
Cho bao nhiêu đôi lứa
Học và yêu
Theo phong cách
sinh viên
Bao năm tháng qua đi hình vỏ đạn đại bác
Bao lớp người nối tiếp
Một bài ca hát mãi chưa thôi
Vầng trăng tiễn đưa, nửa đi nửa ở
Cuộc chiến trinh dằng dặc khôn nguôi
Trường với lớp về nơi sơ tán cũ
Bạn hành quân đi về phía chân trời
Nơi tiếng súng đang nã vào mặt trận
Nơi khói bom mù mịt pháo đài bay
Nơi xích sắt xe tăng nghiền nát đất
Bạn làm thơ trong hỏa lực pháo bầy
Mỗi trang viết bạn gửi về Hà Nội
Người ở nhà đọc như đắm như say
Rừng Trường Sơn hôm nào bốc khói
Những Con ma, Thần Sấm rơi đầy
Hai nửa nước mình đầy vết đạn
Vẫn hiên ngang tư thế làm người
Tiền tuyến gọi hậu phương xốc tới
Dẫu biết rằng máu chảy đầu rơi
Bao người mẹ mất con
Bao trẻ thơ khóc mẹ
biết bao người vợ trẻ
Thức trắng
đêm
trong hình ngọn nến
nỗi nhớ
chờ chồng
Ông hành quân
Cha hành quân
Cháu cũng hành quân
Đường tít tắp nối
dài theo chiến dịch
Rừng bốc cháy như
là trong cổ tích
Khắp lối bom rơi
Khắp lối bom đào
Những cô gái
xung phong
đứng chắn
thành rào
Làm cọc
hoa tiêu
cho đoàn xe vượt tuyến
Cả đất nước đằm mình trong chiến trận
Đến bữa cơm ăn cũng gián đoạn không thành
Trang giấy học trò nhàu nát trộn máu tanh
Lớp sơ tán lật nghiêng
bom tọa độ
Bàn ghế cháy thành than
bay trong gió
Đề văn thầy ra bạn viết vội chưa thành
Dang dở quá, những ước mơ xếp lại
Những mối tình vừa chớm nở hôm qua
Nay đã lấy khăn tay thêu vội
Những vụng dại ban đầu
giấu trong những nụ hoa
Sân trường cũ năm nao còn in mãi
Bóng những người lính chiến tuổi đôi mươi
Dìu dặt cầm tay ai
trong nước mắt
Câu tiễn đưa như tím cả chân trời
Lớp bỗng cứ thưa dần sau mỗi đợt
Lần tuyển quân nào cũng phải tiễn bạn đi
Rừng Thái Nguyên bao chiều u uẩn khóc
Chiến trường xa mộ bạn đã xanh rì
Vẫn nhớ mãi mùa mưa năm tháng ấy
Qua Suối Đôi thầy chủ nhiệm cưỡi trâu
Vượt dốc dài Hoàng Hữu Yên rơi kính (*)
Nắng đến như cháy cả tóc trên đầu
Miệng vẫn hát những bài ca Đất nước
Bụng chỉ toàn mì luộc trộn với rau
Cùng bạn sẻ chia bát canh toàn quốc(* *)
Mai sớm vượt qua những núi cùng đèo
Đi chặt nứa rừng dựng nhà, dựng lớp
Có gì đẹp bằng mắt bạn trong veo
Có gì đẹp bằng nụ cười rạng rỡ
Của người yêu dưới vành mũ tai bèo
Bao đôi lứa yêu nhau thời chinh chiến
Đã buồn khi thư lạc lối không về
Nhưng vẫn khắc vào tim mình hai chữ
Dù đi đâu vẫn giữ trọn câu thề.
Người ở lại trang giáo trình vẫn mở
Người ra đi chân đạp đá, gai rừng
Cùng đất nước viết thêm nhiều trang sử
Rất oai hùng và cũng rất đau thương
Thời ta đến hình ngọn đuốc
Mễ Trì xanh màu lúa
Lửa chiến chinh cháy rực
khắp cánh đồng
Treo ảm đạm
vầng trăng non
góa bụa
Tiếng
Thần
Sấm (*)
gầm
rách nát
những khoảng không
Đêm hình tháp xuôi
Giấc ngủ
chập chờn
cơn ác mộng
Giáo án lật sang trang
Ướt đẫm tấm lưng thầy
Bao con chữ ngổn ngang rơi trên lớp
Giờ học cuối cùng anh nhớ mãi từ đây
Tiền tuyến gọi cuộc hành quân tiếp bước
--------------------------
(*) Câu truyền miệng của SV khoa Ngữ văn: vượt dốc dài Hoàng Hữu Yên rơi kính/ Qua Suối Đôi Hoàng Xuân Nhị cưới trâu.
(*) Cụm từ sinh viên thời đó hay dùng chii loại canh rất ít rau chỉ toàn nước
Anh hình mũi tên
xung phong
vào trận cuối cùng này
Đêm lửa trại cả trường vui náo nức
Trống dập dồn theo bóng lá cờ bay
Không có gì quí hơn Tự do cho Tổ quốc
Chiếc gậy Trường Sơn thành bạn mới những ngày
Vượt núi băng đèo
tiến về phía trước
Không quản hy sinh
gian lao khó nhọc
Chiếc ba lô
trĩu nặng tấm
thân gầy
Mưa gió
Trường Sơn
không át nổi
Tấm lòng
yêu nước
đến mê say
Như tất cả sinh viên trường khác
Anh đi trong đội ngũ điệp trùng
Vai khoác ba lô tay mang súng đạn
Mấy bài thơ viết dở giắt bên lưng
Thơ anh viết nhuốm rất nhiều lửa khói
Vẫn không quên những nỗi nhớ bạn bè
Mỗi cuộc hành quân, một trang thơ viết vội
Hành trang suốt đời người lính chẳng có chi
Chỉ có những ước mơ
xanh như màu biển cả
Và tình thương vô tận
với quê nhà
Anh không khóc
sao trang thư lại khóc
Để người ở lại buồn
Hóa đá giữa mưa sa?
Thời ta đến Mễ trì xanh màu lúa
Tình yêu anh chớm nở lúc đông tàn
Có lẽ nào bạn tôi thành góa bụa
Ngay hình giọt lệ
cái thời tóc
vẫn còn xanh?
Đèn vẫn sáng trong
những đêm họp lớp
Giọng thầy đọc
run run
thư
tiền
tuyến
gửi
về
Lớp hình cây nấm
im lặng
dõi theo từng nét chữ
Bài học lịch sử buồn
trong những phút chia ly
Lá thư nhỏtrang giấy đen gấp vội
Đã đi qua bao chặng vượt bom thù
Bom làm rách nửa phong bì ám khói
Vẫn rực màu khát vọng mùa thu
Vẫn chứa chất ngàn điều còn chưa nói
vẫn tươi nguyên những lời hẹncâu thề
Nơi tiền tuyến anh đang xốc tới
Chốn quê nhà trăng theo bước anh đi
Lớp không học từng tuần
theo
lịch cũ
Mỗi lối
trường xưa
địch oanh kích nhiều lần
Đêm sơ tán bạnnhớ anh không ngủ
Lớp vắng dần sau mỗi đợt tuyển quân
Ngày ta mới nhập trường
hơn sáu mươi sinh viên một lớp
Nay nhìn quanh chỉ thấy bóng chục người
Cảnh xao xác của một thời đánh giặc
Những nỗi buồn dằng dặc khôn nguôi
Một lần nữa lại một người ngã xuống
Lớp thêm một người ở tiền tuyến hy sinh
Giờ truy điệu cờ rủ ngay trước lán
Ai cũng đau như mất ở lòng mình
Một chút tuổi xuân
Đi như không về nữa
Một chút tình yêu
đắm say trong dang dở
Một hình cây thánh giá
chút
ước
mơ
vội
vã
chửa
thành
hình
Ai cũng như thấy mất ở lòng mình
Cái gì đó
lớn lao
to tát quá
Phút
im lặng
bao
bạn bè
nghẹn thở
khắc
một
chữ
“buồn”
nhói
buốt
ở
trong
tim
Thời ta đến Mễ Trì lúa màu xanh
Chương 8
Những ngôi làng
hình trống đồng
Chúng tôi lớn lên từ những ngôi làng
Làng có tự bao giờ chúng tôi không được biết
Nhưng khi chúng tôi biết bước đi trên mặt đất
Làng đã thành ký ức tự ngàn xưa
Làng có từ câu hát bà ru
Kẽo kẹt tiếng võng đưa
Lũy tre vàng vặn mình
trong một chiều cả gió
Làng phảng phất
mùi ấm nồng rơm rạ
Những con đường
hằn vện vết chân trâu
Dù ai có đi đâu về đâu
Vẫn nhớ làng có mái đình
bên cây đa giếng nước
Đêm mở hội nghe dập dồn trống thúc
Điệu hát chèo văng vẳng khúc thương nhau
Dù ai có đi đâu về đâu
Vẫn nhớ làng qua mỗi mùa hoa nở
Khi cây gạo cựa mình rực đỏ
Bầy chim ri ríu rít đón hạ về
Khi bóng chiều vàng màu cúc chân đê
Mùa thu đến bên thềm nghe bỡ ngỡ
Cô gái nhà bên ai đem trầu chạm ngõ
Câu hát buồn “con gái lấy chồng xa…”
Trâu ta hình cây rơm
ăn cỏ đồng ta
Dù trong dù đục
ta tắm ao nhà vẫn hơn
Nhớ làng câu hát véo von
Ru ta từ lúc hãy còn trẻ thơ
Nhớ làng qua những giấc mơ
Đêm trăng có tiếng ầu ơ rất buồn
Làng với nước trong câu hát ví
Đã thành lời hò hẹn núi sông
Không có làng thì không có nước
Nước mà đau làng cũng đau cùng
Chúng hình quả trám
tôi
lớn lên
từ làng đi
chinh chiến
Đường hành quân
qua hàng vạn xóm làng
Ngay cả những nơi vừa mới đến
Vẫn có cái gì như rất đỗi thân quen
Vẫn phảng phất bóng quê mình
với bờ tre nơi cuối xóm
vẫn có tiếng gà xao xác
lúc đang trưa
vẫn có tiếng
mẹ ru hời
và tiếng
đò đưa
..ưa
Thời chinh chiến anh đi
Những ngôi làng anh qua
Không thể nào nhớ hết
Làng trung du
Tán cọ xòe bóng mát
Điệu hát xoan
dìu dặt bóng trai làng
Đêm mở hội hình cái chĩnh
hoa xuân
rơi trắng ngõ
Tiếng trống chầu
nghiêng cả chuyến đò ngang
Làng châu thổ đất bồi xanh bờ bãi
Những bãi dâu chín đỏ nắng đang về
Mùi hương nhẹ quyện theo em mái tóc
Làm bồi hồi mỗi nhịp bước quân đi
Những ngôi làng anh qua
Dáng trầm mặc
với bao tầng huyền tích
Bao bến nước cây đa
Bao ngôi chùa
Đức Phật
Tiếng
tụng kinh
gõ mõ
lúc ngang chiều
Nghe thổn thức nỗi oan tình Thị Kính
Mỗi câu chèo như có một nỗi đau
Làng ven biển
trắng nức màu cát trắng
Rừng phi lao
vi vút
gió
mặn mòi
Mùi cá mực
tanh nồng trên mắt lưới
Mênh mông chiều
thuyền rẽ sóng ra khơi..
Những ngôi làng anh qua
Không thể nào nhớ hết
Mỗi ngôi làng
một dáng hình đất Việt
Tự ngàn xưa
văng vẳng tiếng trống đồng
Nơi hồn nước chim bay về hội tụ
Nơi có những mối tình
Cùng con sáo sang sông
Làng với nước có trong câu hát ví
Tự ngàn xưa cha mẹ đã thuộc lòng
Khi lớn dậy ta thấy làng óng ả
Những rặng tre ngà
như nét vẽ uốn cong
Tre làm ra cái nong cái né
Cho mẹ ta sảy lúa, dần sàng
Tre hóa thành đòn càn đánh giặc
Làm kinh hãi quân thù
khi hóa những mũi chông
Làng gắn với tre
Ngay từ thuở khai sơn lập ấp
Tre thành chiếc võng ru
đung đưa lời mẹ hát
thành cây gậy thần
cho Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc
thành chiếc cầu cho đôi lứa yêu nhau
Câu em hát qua cầu tre lắt lẻo
Quá yêu nhau nên đánh rớt miếng trầu
Trầu cánh phượng mẹ têm sao khéo quá
Để em buồn hát câu lý thương nhau
Đêm chiến dịch vẫn mơ về làng cũ
Nhớ bờ tre đêm mùa hạ hạ gió ru
Ta đã ấm hơi làng từ thời còn rất trẻ
Làng cùng ta đi mãi đến bây giờ
Bao tháng năm trăng tròn lại khuyết
Bao nỗi nhọc nhằn lắng trong từng câu hát
Vầng trăng mỏng mảnh lưng trời
Nhớ đêm trăng thanh, gió nhẹ
Làng ơi! Đẹp mãi muôn đời
Làng đã sống như ngàn đời đã sống
Dẫu gian nan vẫn chung thủy một lòng
Làng với nước đã thành câu ví dặm
Dân với làng hóa vẻ đẹp núi sông
Chúng tôi đi hình cái thập đồng
Qua ngàn vạn ngôi làng đất Việt
Cuộc chiến chinh đã gần chục ngàn ngày
Có biết bao tên làng thiêng liêng cùng tên đất
Cái tên nào cũng đầy ắp mê say
Làng của miền xuôi
Làng miền ngược
Làng miền Nam
Làng miền Bắc
Làng người Thượng
Làng người Kinh
Làng ở Chiến khu
Làng bưng biền Đồng Tháp…
Nơi đâu cũng thành làng đánh giặc
Mỗi bước chân đi rực cháy lửa hận thù
Chúng tôi yêu làng từ thuở hoang sơ
Qua những thế kỷ thương đau
đã trở thành lũy thép
Đường mở nước
mênh mang cõi đất
Mỗi tên làng
là một ước mơ