(Ảnh: Hoàng Sơn)
Anh hái cho em chiếc lá phong ba
Quả bàng vuông nơi Trường Sa nghìn trùng sóng vỗ
Chọn lá vàng thôi lá xanh dành cho lính đảo
Ở nơi đây màu xanh chắt chiu...
Ở nơi đây câu chuyện tình yêu
Mặn mòi như nắng hè, gió biển
Thư viết nửa năm, tâm tình mới đến (1)
Thư ủ than hồng tình lính đảo vẹn nguyên
Ở nơi đây câu chuyện "niềm tin"
Thật giản dị, cũng kiên cường đến lạ
Anh chợt thấy mình phồn hoa đô hội
Thật ngượng ngùng khi nói chuyện "hi sinh..."
Mai mốt về anh sẽ kể cho em
Chuyện xa nhau đốt hồng thêm ngọn lửa...
Cây phong ba dù ra hoa một nửa (2)
Một nửa đợi chờ ngày hội ngộ đoàn viên
Chuyện những người chồng xa vợ triền miên
Vợ mang nặng đẻ đau không cận kề chia sẻ
Bảy tháng trời sau khai hoa nở nhuỵ
Chốn nghìn trùng mới biết được làm cha... (3)
Chuyện người con trấn giữ đảo xa
Tin bố mất hàng tháng trời mới đến
Lễ trăm ngày chỉ nén hương bái vọng
Đồng đội ngậm ngùi: "việc nước, đành thôi..!"
Và những chàng trai mười tám đôi mươi
Ở đảo Sơn Ca, Trường Sa đông... sóng dữ
Nợ nước đành quên mẹ già thôn dã
Biển xanh ru giấc ngủ ngàn đời... (4)
Em ơi!
Mai mốt đây đất nước mạnh giàu
Có nhiều hơn những chuyến tàu nối đất liền - hải đảo
Anh sẽ đón em về Trường Sa yêu dấu
Nghe những chàng trai thêu mộng tình duyên
Dưới ánh sao trời,
giữa sóng nước
lung liêng...
(Trường Sa lớn, tháng Giêng - 2005)
Chú thêm:
1: Mỗi năm, tàu Hải quân ra đảo chỉ khoảng 2 lần, mang theo thư, báo từ đất liền. Vì thế, có không ít chiến sĩ ở Trường Sa lớn nhận được một lúc gần... 100 lá thư mỗi lần tàu ra.
2: Hoa phong ba ở Trường Sa có 5 cánh màu trắng, nhưng điều đặc biệt là đài hoa không theo hình tròn, mà theo hình bán nguyệt.
3: Nhiều sĩ quan, lính Trường Sa khi về phép thăm vợ, hết phép quay ra đảo mà vẫn chưa biết vợ có bầu. Khi vợ sinh, gửi thư báo, phải đợi đến khi tàu Hải quân ra (5-7 tháng/lần) thư mới đến.
4: Trong chuyến ra Trường Sa công tác tháng Giêng - 2005, có một chiến sĩ hi sinh ở ngay thềm đảo Sơn Ca (do sóng cuốn). Ở đảo Trường Sa đông, nơi chúng tôi đến cũng có mộ của 2 chiến sĩ hi sinh và được mai táng ngay trên đảo.
-------
Anh Nguyễn Thanh Sơn hiện là phóng viên báo Nông thôn ngày nay, bút danh Hoàng Sơn.