Thơ Khuất Bình Nguyên
(Sinh viên Tổng hợp Văn khóa 13)
CÁNH ĐỒNG
Cha nghẹn cơm giữa chiều
Ngàn ngạt mùa gió thổi
Từ làng ra đồng đã hết tám mươi năm.
Cánh đồng ơi ! Cánh đồng xa xôi
Mộ cha nằm ở đó
Tắt lửa tối đèn
Người thiên cổ bàn việc làng việc nước
Trăng trên đồng rộng hơn cả mênh mông.
Nấm mộ nào được đội đầu ngọn cỏ
Còn bao nhiêu chìm xuống đất bùn
Cánh đồng rộng cho mặt trời mọc sớm
Cho đời người trú ngụ dưới đất sâu
Cha tôi nhắm mắt rồi còn mở ra nhắn lại
Đồng làng thiêng… gió thổi ngắt lời
Nơi nuôi hạt lúa, củ khoai
Không biết có bao nhiêu mùa cày của cha
Theo đàn trâu lặng lẽ
Đi qua hoàng hôn để lặn với mặt trời
Lặn với tiếng đập đất, tiếng cọ nồi
Tiếng người quê tôi khê nồng như cơm cháy
Cục mịch quê mình tiếng đất vỡ trong mưa.
Bao nhiêu gieo trồng
Bao nhiêu gặt hái
Bao nhiêu gió thổi
Bao nhiêu con người
Bao nhiêu mặt trời.
NÓN TRẮNG
Đã lâu rồi tôi không nhìn thấy bóng nón trắng trong thành phố nữa
Những đồng bào tôi mắt sáng long lanh
Khoảng trời nón thanh bình bao năm tháng.
Sớm sớm chiều chiều dòng xe cộ
Tất tưởi mũ tròn trần trụi bụi công trường…
Bỗng đâu đó giữa trưa một gánh hàng rong nhỏ
Gánh quá khứ về cho mùa hạ bớt nắng nôi
Cái nón cũ đội đầu vừa để đậy những củ khoai vỏ tím
Một chút ngày xưa như thẹn giữa phố phường
Rồi chẳng thấy trên đường phố nữa
Gió thổi trưa vào ảo ảnh lá xưa.
Dăm bảy khách nước ngoài mua nón về không đội
Chút hiếu kỳ đáng yêu cho kẻ lạ phương trời
Có lễ hội phố phường người ta treo nón
Đung đưa hàng nón trắng yêu kiều
Chao đèn ban ngày không có ngọn
Dưới vòm trời trắng muốt kia không có mặt người.
Ở đâu đó trên vạt chiếu tuồng, chèo… xanh đỏ
Nón quai thao không sống thật trong đời
Sân chiếu chèo… thưa bóng người chơi
Thành phố bị chìm xuống nước của vũ trường ca nhạc
Lời Anh, lời Việt không rõ tiếng
Vũ điệu quay cuồng gọi khán giả quậy lên
Mùa Thu quên chút hanh vàng ngõ vắng
Nón trắng ngày xưa e thẹn một mình.
Sau hai mươi năm nữa, thành phố của tôi
Những cao ốc, những con người
Nón trắng chỉ còn treo trong bảo tàng dân tộc học ?
Dưới vòm trắng muốt kia liệu có mặt người
Văn hóa nón ra đi tìm một thời mười thế kỷ.
Những đồng bào tôi mắt sáng long lanh
Khoảng trời nón thanh bình bao năm tháng.
BIẾN KHÚC
Thanh Tâm Tài Nhân và nhiều người khác đã viết đời Kiều
Thời gian bỏ quên cả Kiều và chính họ
“Đoạn Trường Tân Thanh” vực Kiều sống lại
Nguyễn Du rứt ruột mình yêu Thúy Kiều và học Hoạn Thư ghen.
Nhiều người đã viết Romeo- Juliet và Otenlo
Tình yêu ghen tuông nhạt phèo như dòng nước sông Thame mỏi mệt
Shakespeare đã chết ba lần để yêu, ghen chẳng bao giờ chết
Các nhà hát lớn ở châu Âu không chứa nổi kịch năm hồi.
Không ai lấy sách của Thanh Tâm Tài Nhân để chú thích văn chương của Nguyễn Tiên Điền
Biến khúc của mùa thu Truyện Kiều làm cây lá bao thời nức nở
Tình yêu và ghen tuông chuyện đời thường muôn thưở
Bỗng trở thành vẻ đẹp của Thời Gian.
Các Thiên tài sống chung với chúng ta trong ngôi nhà có bức tường vô hình trước cửa
Người thường hàng ngày đi qua cửa, còn họ ra vào qua bức tường kia.
(Đã in trong tạp chí Nhà văn, s. 8/2011)